Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Chuyện về Nữ già làng đầu tiên ở rẻo cao Quảng Trị

10/11/2022 949 0

Sau cơn mưa giao mùa vừa dứt, núi rừng Đakrông vời vợi bừng lên xanh thẳm, bản làng của người Vân Kiều cứ dần ẩn hiện trong đám mây trắng bồng bềnh hư ảo. Ở dưới bức tranh thủy mặc đất trời này, có biết bao câu chuyện về con người, về vùng đất đầy huyền thoại về vùng đất đậm chất sử thi. Nhắc đến đây, có lẻ nhiều người đã hình dung đến câu chuyện tình sử của đôi trai gái làm rung động cả đất trời, khiến dân làng đã lấy tên để đặt cho dòng sông. Đến với Đakrông trong những ngày này còn nghe dân bản truyền tụng cho nhau về một câu chuyện khác, về một nữ già làng. Câu chuyện chưa từng có trong tiền lệ với người Bru Vân Kiều

    Đến bây giờ, trong ký ức của bà con  thôn Par Tâng, xã Đakrông, huyện Đakrông vẫn không quên buổi họp cách đây 7 năm về trước. Ngày mà cả bản Par Tâng quyết định một việc xưa nay chưa từng có trong tiền lệ, đó là chọn ra một nữ thủ lĩnh dẫn dắt làng. Hồ Thị Phuôm, đó là người phụ nữ đầu tiên của bản được dân nghe, dân tin, dân làm theo…

 

     Từ xưa đến nay, sợi dây truyền thống kế tục già làng của người dân tộc Vân Kiều là sự tiếp nối trong cùng một dòng họ, là cha truyền con nối.  Chồng bà Phuôm trước đây là già làng  có 4 người con trai, nhưng khi ông mất, con của ông tuổi đời còn quá trẻ, kinh nghiệm còn non nớt, lại không nhận được sự tín nhiệm của người dân trong việc dẫn dắt bản làng. Lúc bấy giờ, người nhận được sự kính trọng, uy tín cao, tiếng nói rất có tầm ảnh hưởng là bà Phuôn. Từ đó bà được người dân đồng thuận chọn làm thủ lĩnh. Quyết định đó khiến ai nấy vừa vui mừng, vừa lạ lẫm. Bà Puôm chia sẻ: “Vừa mừng, vừa lo là cảm giác ngày mà già được dân làng đặt trọng trách lên vai. Mừng vì già được dân làng tin tưởng. Lo là bởi nỗi trăn trở làm sao để bản làng ngày càng khởi sắc. Bởi già làng phải là cầu nối giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại. Già làng truyền thống là cây đại thụ của bản làng, là chỗ dựa tinh thần, chỉ dẫn, điều hành và xử lý các vấn đề tập tục, nghi lễ, đời sống tâm linh. Già làng hiện đại mang trọng trách lớn hơn đó là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đến gần với người dân hơn”.

 

       Làm thế nào để bà có thể làm tốt vai trò già làng? Đó là trăn trở lớn nhất của bà Phuôm được trao trọng trách nặng nề. Vậy là bà quyết định: Để bà con nghe theo, trước hết mình phải nói được, làm được. Bắt đầu từ những việc làm cụ thể, nhưng câu chuyện dân vận lại dài như mạch nước ngầm ở trên núi. Đầu tiên là phải nhắc đến phát triển kinh tế. Năm 1973, bà Phuôn theo chồng về Pa Tầng. Ngày ấy, đời sống của đồng bào còn nghèo khó, lạc hậu, lại thiếu thốn đủ đường. Nhưng ý thức được việc làm dâu của một gia đình có truyền thống làm già làng nên bà luôn muốn gia đình mình phải làm gương cho dân bản. Bà Phuôn nói muốn quê hương thay da đổi thịt thì trước hết phải ấm cái bụng trước đã. Từ suy nghĩ đó, bà Phuôn cùng chồng tích cực phát quang cây cối, mở rộng diện tích đất sản xuất. Cây lúa nước được gia đình bà chọn đầu tiên, bởi có gạo để ăn no thì từ đó mọi thứ mới tốt lên được. Dần dần, vợ chồng bà trồng thêm cây sắn, cây ngô, đào thêm hồ để nuôi cá, nuôi bò, trâu cả chục con…Thấy nhà bà Phuôn phát triển kinh tế hiệu quả nên bà con cũng học tập và làm theo, từ đó đời sống người dân dần ổn định hơn.

Những năm gần đây, Par Tầng có sự thay da đổi thịt rõ nét, đặc biệt từ khi bà Phuôn lên làm già làng, bản làng có rất nhiều “không”. Đó là không có người nghiện ma túy, không có nạn tảo hôn, không có con em bỏ học giữa chừng, không sử dụng pháo nổ… Thôn Par tầng được công an huyện và chính quyền địa phương chọn làm điểm các mô hình: là thôn không có tội phạm, thôn thực hiện có hiệu quả mô hình 3 quản… Ngoài ra các vấn đề về bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc, tranh chấp phát sinh trong cuộc sống cũng rất ít khi xảy ra. Trong 8 thôn của xã Đakrông, thôn Par Tầng là một trong những thôn có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất, đời sống Nhân dân ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tất cả những điều đó có công lao rất lớn của bà Phuôn trong việc vận động người dân, bởi tiếng nói của bà rất có trọng lượng. Anh Hồ Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Đakrông huyện Đakrông cho biết:

Bà Phuôm dành nhiều thời gian đến thăm nhà bà con làng xóm, hướng dẫn, động viên họ làm ăn kinh tế khấm khá. Việc làng, bà Phuôn giải quyết vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Khi các vụ mâu thuẫn, bà sẽ cố gắng nhẫn nại, phân tích cho bà con hiểu để tránh xung đột. Ngoài ra, bà luôn nhắc nhở con em trong thôn tránh xa các tệ nạn xã hội, học tập các nếp sống văn minh, vận động các gia đình không để xảy ra tảo hôn. Luôn gần dân, hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con để kịp thời giúp họ tháo gỡ vướng mắc. Từ đó giúp kinh tế ổn định, mọi người gần gũi yêu thương nhau, bản làng trở nên bình yên. Bà Giả Tế một hàng xóm của bà Phuôm ở thôn Par tâng, xã Đakrông, Đakrông nói: “Bà Phuôn là người rất gần gũi bà con hàng xóm. Vợ chồng nào hay gây gỗ đánh nhau, bà tìm đến khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết gia đình. Bà cũng khuyên đàn ông con trai không nên uống rượu bia. Đứa trẻ nào bỏ học, bà tâm sự với cha mẹ và bản thân đứa trẻ đó để mọi người hiểu học mới giúp cuộc sống thoát nghèo và có tương lai tốt đẹp hơn. Ngoài ra, bà luôn nhắc nhở con em trong thôn tránh xa các tệ nạn xã hội…

Khó khăn lớn nhất ở các thôn bản vùng cao Đakrông là công tác phát triển Đảng. Nguyên nhân là trình độ dân trí thấp, số thanh niên đi làm ăn xa, đặc biệt thôn Par Tầng có trên 40% hộ dân theo đạo, việc phát triển đảng viên trong đạo hầu như không thể thực hiện được. Tuy nhiên, với sự cần mẫn tuyên truyền vận động của bà Phuôn, từ 3 đảng viên khi mơi thành lập đến nay chi bộ thôn Par Tầng đã phát triển được 8 đảng viên.

Già làng Phuôn không chỉ là người con ưu tú của bản Par Tâng mà còn là niềm tự hào của đồng bào Vân Kiều sống trên đỉnh Trường Sơn. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ, đầy trách nhiệm, bà thực sự là ngọn đuốc dẫn dường cho dân bản nơi rẻo cao này. Làm thế nào để cuộc sống người dân ở đây ngày càng thay đổi, bản làng khởi sắc chính là nỗi trăn trở lớn nhât của bà.

Vững như cây cổ thụ giữa đại ngàn, qua bao nắng mưa, giông tố lại càng mạnh mẽ, ôm trọn lấy bản làng- bà Phuôn được dân làng ví như thế. Bởi ở bà toát lên vẻ quyền uy của một thủ lĩnh, thứ quyền uy xuất phát từ lòng kính trọng của người dân.


                                                                                                           Lâm Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds