Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Hành trình 3 năm cõng bạn khuyết tật đến trường

10/11/2022 546 0

Câu chuyện của 2 cậu học trò Lưu Quang Vũ –Hồ Minh Tương suốt 3 năm cõng nhau đi học, giúp đỡ nhau trong học tập đã để lại cho đời một tình bạn quá đỗi đẹp đẽ giữa núi rừng Đakrông.

      Đã 3 năm qua hình ảnh hai cậu học sinh cõng nhau đến lớp của  bạn Lưu Quang Vũ –Hồ Minh Tương (học sinh lớp 9A- Trường THCS và THPT Đakrông 2) đã trở thành niềm khâm phục, sự yêu thương  và sẻ chia của bạn bè và thầy cô giáo. Dù nắng hay mưa, sáng sớm hay tối muộn, Minh Tương vẫn cõng bạn trên đôi vai vững chắc.

   Tương và Vũ đều được sinh ra trong những gia đình có bố mẹ làm nông dân, cuộc sống khó khăn. Lưu Quang Vũ bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời với hai chân bị liệt dần từ năm lên 2 tuổi, 2 tay cũng teo dần, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng bó mẹ Vũ vẫn đưa con về bệnh viện tỉnh, vào bệnh viện Trung ương Huế cố gắng tìm đủ mọi cách để chạy chữa cho em nhưng mọi thứ dường như không thể thay đổi.

 Không cam chịu số phận, Vũ rất thích được đến trường vì vậy suốt 5 năm học Tiểu học, bố luôn cõng Vũ đi học. Đến năm lớp 6, trường xa hơn, bố còn phải đi làm nương rẫy để kiếm tiền nuôi Vũ ăn học và một đứa em cũng bị liệt như Vũ. May mắn nhất cuộc đời Vũ là gặp bạn Tương, một bạn học cùng lớp nhưng khác xã (Vũ ở xã A Ngo còn Tương ở xã Tà Rụt). Thương bạn tật nguyền, vậy là Tương lại đưa ra ý kiến đầy quyết tâm là sẽ tình nguyện cõng Vũ đến trường. Và lí do để một cậu bé 11 tuổi có thể đưa ra quyết định can đảm đó cũng giản dị như cách trò chuyện và tâm sự của em: "Nhìn mình và các bạn có tay chân lành lặn, có thể chơi nhiều trò còn bạn Vũ thì không thể, chỉ biết ngồi nhìn. Em chỉ thấy thương bạn lắm mà không biết làm gì nên quyết tâm đưa bạn đến trường".

 

  Từ đó, hàng ngày Tương đều đi sớm hơn vài chục phút từ nhà ở thôn Tà Rụt3 xã Tà Rụt đến nhà Vũ  ở thôn A Ngo xã A Ngo huyện Đakrông chở bạn bằng xe điện và  cõng bạn lên lớp. Hai cậu học trò cứ dần gắn bó một cách nhẹ nhàng như thế, dần trở thành điều quen thuộc như hơi thở. Nhớ về những ngày đầu chở bạn đi, Tương tâm sự: "Do Vũ khuyết tật nên việc lên xuống xe của bạn rất khó khăn, di chuyển cũng khó trong việc giữ thăng bằng, nhưng sau thời gian dài thì Vũ cũng học được cách ngồi sau yên. Qua chỗ ổ gà hay vũng nước, em lại bảo bạn ôm chặt lại, xích gần em để khỏi ngã".  Không ai nói với ai nhưng cả hai em đều thống nhất sẽ đăng ký học cùng lớp với nhau. Để có sức khỏe cõng bạn, Tương thường xuyên tập luyện thể dục, ăn uống nhiều hơn. Trái lại với Tương, Vũ ngậm ngùi: "Em chẳng dám ăn vì sợ to béo, Tương cõng vất vả, thương bạn hơn".  Cô giáo Từ Thanh Vân, phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đakrông 2 cho biết: “Trường chúng tôi không có lối đi riêng cho người khuyết tật mà phải lên lớp bằng những bậc cầu thang rất cao, nhưng hàng ngày Tương vẫn cõng bạn trên đôi vai của mình đi lên xuống hàng chục bậc cầu thang. Các bạn khác cũng đợi 2 bạn đến để phụ xách cặp sách. Ngoài ra, Tương còn giúp đỡ Vũ trong các hoạt động khác của trường, giúp đỡ nhau trong học tập để cùng tiến bộ. Nhìn thấy các em học sinh yêu thương, giúp đỡ nhau như vậy chúng tôi vô cùng cảm động. Qua đó, chúng tôi sẽ nhân lên những tình bạn đẹp trong lứa tuổi học trò” .

    Giữa dòng đời xô bồ, ngày ngày đối mặt với những khó khăn và toan tính, người ta nhắc nhiều đến sự cho đi luôn kèm nhận quyền lợi nào đó. Dường như nhiều người đã cho là sự hiển nhiên, rằng không ai cho không ai cái gì mà không tính đến vụ lợi. Có lẽ bởi vậy mà khi cặp đôi học trò Vũ –Tương suốt 3 năm liền cõng nhau đến trường bất kể nắng mưa, người ta bỗng thấy sao mà kỳ diệu quá.

                                                     Bài ảnh:   Lâm Phương- Minh Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds