Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Hiệu quả từ mô hình trồng chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông

14/12/2024 34 0

Trước thực trạng cây chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông (Quảng Trị) có nguy cơ bị suy thoái về giống, thời gian qua các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và bảo tồn. Những mô hình trồng cây chuối lùn được phát triển và nhân rộng không chỉ góp phần lưu giữ nguồn gen quý mà còn giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tại các xã Tà Rụt, A Bung, A Ngo, Tà Long, A Vao của huyện Đakrông, cây chuối lùn bản địa được người dân trồng từ lâu đời trên nương rẫy, trong vườn nhà. Loại chuối lùn này khi chín rất thơm ngon, quả to tròn và có vị đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu, chủ yếu mang tính tự phát dẫn đến năng suất thấp, chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, có một thời gian người dân bỏ mặc, không mặn mà với cây chuối lùn nên cây trồng bản địa này cũng gần như bị suy thoái về giống.

Với mong muốn khôi phục loài cây bản địa này, năm 2019 Tổ hợp tác trồng chuối lùn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tà Rụt được thành lập với 15 hộ dân tham gia. Tổ hợp tác đã khôi phục, phát triển khoảng 20 ha chuối lùn theo hướng thâm canh.

Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập đáng kể nên người dân rất phấn khởi. Theo kế hoạch, tổ hợp tác sẽ phát triển diện tích chuối lùn lên 40 ha vào năm 2025; đưa cây chuối lùn trở thành loại cây sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

 

Theo người dân địa phương, chỉ sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây chuối lùn sẽ cho thu hoạch. Mỗi gốc chuối có thời gian thu hoạch từ 3-5 năm với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50-80 triệu đồng/ha. Lúc cây cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 70 triệu đồng/ ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân nơi đây.

Với mục đích giúp người dân trồng cây chuối đúng kỹ thuật, khai thác hết tiềm năng đất đai trên đơn vị diện tích, mang lại năng suất chất lượng cao, tháng 10/2023 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình “Trồng chuối lùn bản địa nuôi cấy mô” tại xã A Ngo huyện Đakrông với diện tích 3 ha, xã A Ngo đã lựa chọn 11 hộ dân tại thôn A Ngo tham gia mô hình. Những hộ này được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ cây giống và vật tư.

Đây là những hộ có diện tích đất đáp ứng yêu cầu, có hàng rào bảo vệ chắc chắn, chủ hộ cũng có đủ năng lực lao động, có khả năng đối ứng (phân chuồng, hàng rào...), tự giác áp dụng kỹ thuật mới theo yêu cầu và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với cách trồng truyền thống ở địa phương. Hiện nay, cây chuối lùn bản địa sau 1 năm trồng đạt tỉ lệ sống rất cao. Nhìn chung, các vườn chuối sinh trưởng rất tốt.

Bước sang năm thứ 2, cây chuối trên các vườn sẽ trổ buồng. Mô hình này tạo điều kiện cho người dân nâng cao về kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối lùn bản địa theo hướng thâm canh; giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm. Việc sử dụng nguồn giống tốt, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân chuồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sẽ tạo ra sản phẩm chuối lùn bản địa sạch, thơm ngon, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng”.

Từ các nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện nay trên địa bàn huyện có 71 ha chuối lùn được trồng ở các xã Tà Rụt và A Ngo, A Vao...

Qua theo dõi, cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất đạt cao hơn so với các vườn chuối người dân trồng tự phát. Năng suất bình quân của cây chuối lùn đạt 20-25 tấn/ha, lợi nhuận mang lại khoảng 60 triệu đồng/ vụ/ha. Đây là nguồn thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Riêng với mô hình “Trồng chuối lùn bản địa nuôi cấy mô” ở xã A Ngo, cây chuối đạt tỉ lệ sống trên 95%, chưa có biểu hiện sâu bệnh đáng kể, vườn cây sinh trưởng tốt, lá xanh mượt, độ đồng đều cao, tỉ lệ trổ buồng đạt trên 98%.

Sử dụng giống nuôi cấy mô để trồng cho thấy sự đồng đều trong sinh trưởng và rút ngắn thời gian thu hoạch, thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 11-12 tháng. Năng suất trung bình 33 tấn/ha, cho lợi nhuận trung bình 60 triệu đồng/ha.

Mô hình đã nâng cao nhận thức và năng lực cho người dân trong việc trồng thâm canh cây chuối lùn bản địa bằng giống nuôi cấy mô. Tạo niềm tin và quyết tâm cho người dân để áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất.

Các gia đình tham gia mô hình sau khi trồng thành công đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân khác trong vùng, giúp họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục được những hạn chế trong trồng chuối theo phương pháp truyền thống, là cơ sở tiền đề để áp dụng và nhân rộng cho các vùng trồng chuối trên địa bàn huyện Đakrông.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông Trần Đình Bắc cho biết: “Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2023.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục định hướng các xã phát triển, mở rộng diện tích trồng chuối lùn bản địa theo hướng thâm canh, tạo vùng nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng phương án khôi phục, bảo tồn nguồn giống chuối lùn bản địa bằng cách nuôi cấy mô và cấp cho người dân.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

                                                                                                                      Nguồn: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds