Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2024)

29/07/2024 75 0

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, đó là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác Tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được đăng toàn văn trên báo vào năm 1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ… Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, vào ngày 01/8/1930, Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời. Kể từ 01/8/1930 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã diễn ra hàng trăm cuộc biểu tình của Nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc; ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của Nhân dân. Từ đó, ngày 01 tháng 8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hằng năm làm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO

1. Công tác Tuyên giáo trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1930 - 1945)

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, là người đã vạch ra đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, chuẩn bị tốt mọi mặt về tổ chức để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh”, các tờ báo do Người sáng lập như “Người cùng khổ”, “Thanh niên”... là những tài liệu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin đầu tiên vào Việt Nam. Những tài liệu này có sức cuốn hút mạnh mẽ các tầng lớp trí thức tiến bộ và những người tiên tiến trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động lúc bấy giờ, vì nó có tác động thức tỉnh lòng yêu nước của Nhân dân, vạch ra con đường cách mạng đúng đắn để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng, chỉ ra xu thế phát triển tất yếu của dân tộc và thời đại đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ bằng các tài liệu, sách báo được gửi vào trong nước để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường giải phóng dân tộc, Người còn cùng các đồng chí của mình mở các lớp huấn luyện cán bộ, tổ chức cho một số cán bộ sang Liên Xô để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng sau này. Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, thông qua đó giác ngộ quần chúng, chuẩn bị điều kiện chín muồi để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03 tháng 02 năm 1930.

Trong giai đoạn này công tác Tuyên giáo của Đảng đã góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân và dân ta, công tác tuyên truyền thông qua các tài liệu, sách báo của Đảng, phát động hàng nghìn cuộc đấu tranh rộng khắp cả nước, từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến cao trào dân chủ (1936 - 1939) và nhất là sau Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) tất cả công tác của Đảng đều hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng: tập trung sức mạnh toàn dân tộc vào nhiệm vụ phản đế, giành độc lập dân tộc. Những nhà làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã động viên các tầng lớp, dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước và kịp thời truyền đạt những nhận định, chủ trương của Đảng trước các diễn biến trong nước và quốc tế, đã ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng. Với nhiều hình thức tuyên truyền hết sức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, bạo động chính trị, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù, huy động toàn dân tộc đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

2. Công tác Tuyên giáo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

- Giai đoạn 1945 - 1946, đây là giai đoạn công tác Tuyên giáo ra sức vận động quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa mới giành được sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

- Giai đoạn 1946 - 1954, là giai đoạn cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Công tác Tuyên giáo lúc này tập trung cho nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, động viên toàn dân kháng chiến với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.

- Giai đoạn 1954 - 1975, Đảng ta đã lãnh đạo công tác Tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị, giáo dục tư tưởng liên tục, rộng khắp nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện cuộc chiến tranh Nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Nhân dân thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Công tác Tuyên giáo đã thành công trong việc bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc, góp phần động viên Nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức xây dựng hậu phương lớn XHCN, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đất nước ta giải phóng, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với quân dân cả nước, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Đảng, dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay ở vùng tự do, ở đồng bằng, thành phố hay ở rừng núi, trong nhà tù của địch hay trên mặt trận... tất cả đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt này, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, đã có hàng nghìn cán bộ Tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, cán bộ các trường Đảng, trường huấn luyện chính trị, cán bộ các cơ quan báo chí, đài phát thanh, thông tấn xã, các nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh, nhà quay phim, các đội viên đội thông tin lưu động, đội văn công, chiếu bóng,.. đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc.

3. Công tác Tuyên giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay)

Nhiệm vụ công tác Tuyên giáo lúc này là tập trung động viên lòng yêu nước, khắc phục khó khăn, xây dựng quyết tâm vượt qua thử thách, đề cao tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm, tìm tòi sáng tạo, từ đó đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu hết sức quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo.

Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác Tuyên giáo không chỉ góp phần vào việc hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn, mà còn đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trải qua lịch sử 94 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng và đây là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm qua cùng với sự phát triển đi lên của Tỉnh, của huyện Đakrông, công tác Tuyên giáo đã tích cực, nhạy bén trong hoạt động, chủ động tham mưu trên lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hoá, khoa giáo và lịch sử Đảng, tham mưu cấp uỷ xây dựng và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với địa bàn huyện. Tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Tuyên truyền về lòng yêu nước trong cán bộ Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.

Có thể nói, hiệu quả của công tác tuyên truyền là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương; tạo tiền đề quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển của huyện.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm những ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước; qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện năm 2024.

2. Tiếp tục tuyên truyền triển khai các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI. Tuyên truyền cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện uỷ. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với Kết luận số 21-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chgỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các gương điển hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

3. Tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh, từ đó kịp thời phản ánh, tham mưu cấp ủy giải quyết những vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc tình hình đất nước, địa phương; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

                                                                                                                  Nguyễn Văn Ái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds