Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông
Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng thị trấn Krông Klang phát triển toàn diện, vững bước đi tới tương lai
Thị trấn Krông Klang được thành lập theo Nghị định số 08/2004/NĐ-CP, ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ, trên cơ sở 384,7 ha diện tích tự nhiên với 1.616 nhân khẩu của xã Mò Ớ và 1.436,3 ha diện tích tự nhiên với 1.010 nhân khẩu của xã Hướng Hiệp,có 03 dân tộc anh em Vân Kiều, Pa cô, Kinh cùng sinh sống hoà thuận, đoàn kết. Krông Klang, tên gọi như là dấu ấn của sự trường tồn về huyền thoại một dòng sông, nơi ấy là ký ức, là ý chí, sức mạnh và niềm tự hào kiêu hãnh của mãnh đất và con người nơi đây, đó cũng chính là khát vọng vươn lên, hội nhập và phát triển.
Từ những ngày đầu thành lập, thị trấn Krông Klang đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiếu thốn; điều kiện KT- XH còn kém phát triển, trình độ dân trí thấp, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp gắn liền với tập quán đốt nương làm rẫy, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 70%...
Được sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát của huyện Đakrông cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn, trong 20 năm qua, thị trấn Krông Klang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực KT- XH, QP- AN được giữ vững, chính trị ổn định, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố ngày càng vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, vai trò của mặt trận và các đoàn thể ngày càng được nâng lên. Những thành tựu to lớn đó đã tạo thế và lực mới đưa thị trấn Krông Klang phát triển.
Trên lĩnh vực kinh tế, thị trấn Krông Klang đã tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển, tạo ra một cơ cấu kinh tế đa dạng, đồng đều, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của địa phương. Trong nông nghiệp, đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả phù hợp với thế mạnh của địa phương. Diện tích đất trống đồi núi trọc, đất bạc màu trên nương rẩy được thay thế bằng những diện tích rừng trồng, sắn KM94 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích khai hoang trên địa bàn thị trấn trong 20 năm qua là 150 ha. Các lĩnh vực như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng. Đến nay, toàn thị trấn có 403 cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh, tăng 227 cơ sở so với đầu năm 2004; hàng năm thu hút khoảng 70-80 lao động có việc làm ổn định, với thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Nếu năm 2004, sản xuất của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa tạo ra giá trị, hoặc có giá trị nhưng không đáng kể thì đến nay giá trị của ngành chiếm hơn 70%. Thu ngân sách địa phương tăng hằng năm: năm 2004, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn là 56 triệu đồng; năm 2013 đạt hơn 515 triệu đồng và đến năm 2023 đạt hơn 1,1 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân trong 20 năm đạt trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2004 tăng lên 8,5 triệu đồng năm năm 2013 và tăng lên 46 triệu đồng năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng Nông - Lâm nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế giảm từ 55% xuống còn 29%; Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng từ 14% lên 28%; Thương mại, dịch vụ tăng từ 31% lên 43%.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thị trấn đã tận dụng tối đa sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, các chương trình dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quóc phòng - an ninh. Năm 2004, với 80% hệ thống đường giao thông liên thôn, khóm; đường giao thông nội khóm chưa được bê tông hoá, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, đến năm 2023, có 90% hệ thống đường giao thông đã được nhựa hoá, bê tông hoá; Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội (tính đến cuối năm 2023) được phân bổ ước đạt hơn 130 tỷ đồng; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 96% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt; hơn 92% số hộ có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hệ thống trường, lớp học, trạm xá, điện đường được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và khang trang tạo nên bộ mặt thị trấn huyện lỵ. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như tuyến đường Hùng Vương, các tuyến nội thị, điện thắp sáng, nước sinh hoạt… Các tuyến đường nhánh tại các khóm được bê tông hóa thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa.
Sự nghiệp giáo dục- đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, chống mù chữ được duy trì bền vững. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị trường học được đầu tư xây dựng, bổ sung hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đội ngũ nhà giáo không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày càng cao. Đến nay, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các hoạt động văn hoá xã hội đi vào chiều sâu, tạo dựng được nền tảng phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển đa dạng, rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Đến nay 100% các thôn bản và cơ quan đơn vị đã phát động xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa; 5/5 khóm được công nhận đơn vị văn hóa, 3 đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa xuất sắc, 85% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Phong trào thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thấm sâu, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo thuộc các đối tượng khác trong xã hội được quan tâm đúng mức. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình Vùng Đakrông … hằng năm đã tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 70-80 lao động; số lao động tham gia xuất khẩu lao động trong 20 năm qua là hơn 70 lao động. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn từ 60% năm 2004, đến năm 2014 giảm xuống còn 20,5%, và đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 16,31%. Bình quân mỗi năm giảm 3,5%.
Sự nghiệp y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được đẩy mạnh. Công tác DS- KHHGĐ thực hiện rộng rãi trên địa bàn, đạt hiệu quả cao. Chính trị trên địa bàn luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng- an ninh đảm bảo. Khối đoàn kết dân tộc tiếp tục được tăng cường, phát huy gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã động viên các tầng lớp nhân dân, các dân tộc chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng sâu sắc hơn.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ thị trấn Krông Klang xác định trong 5 năm tới tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương với mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đoàn kết, đổi mới, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng, đưa thị trấn phát triển toàn diện và bền vững”.
Từ một thị trấn thành lập còn non trẻ, xuất phát điểm thấp về mọi mặt nhưng bằng ý chí, nghị lực, qua 20 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Krông Klang đã vượt lên nhiều khó khăn, thử thách làm thay đổi diện mạo của quê hương. Phát huy những kết quả đạt được, thị trấn Krông Klang tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, huy động sức dân, chung tay xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng Krông Klang phát triển toàn diện, vững bước đi tới tương lai./.
Lâm Phương
Ý kiến bạn đọc
-
Huyện ủy Đakrông tổ chức hội nghị BCH Đảng bộ huyện lần thứ 15, khóa VI
(13/12/2023) -
“Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đakrông”
(28/11/2023) -
UBND huyện Đakrông xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư huyện Đakrông năm 2024
(10/11/2023) -
Hưởng ứng cuộc thi tuyên truyền cải cách hành chính huyện Đakrông
(27/10/2023) -
Danh mục tài liệu ôn tập và thời gian kiểm tra, sát hạch đối với những trường hợp tiếp nhận (xét tuyển đặc biệt) vào công chức cấp xã năm 2023
(25/10/2023) -
Huyện Đakrông chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng
(16/10/2023) -
CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, HUYỆN ỦY VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
(07/10/2023) -
Thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch (vòng 2) kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục huyện Đakrông năm 2023
(07/10/2023) -
Tổ chức cuộc thi “Xây dựng video clip tuyên truyền cải cách hành chính” trên địa bàn huyện Đakrông năm 2023”
(04/10/2023) -
Đakrông tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023
(04/10/2023)
- Đang truy cập12
- Máy chủ tìm kiếm6
- Khách viếng thăm6
- Hôm nay3,036
- Tháng hiện tại173,895
- Tổng lượt truy cập5,340,221