Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Đakrông: Thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững

14:32, Thứ Sáu, 19-8-2022 456 0

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, qua đó hằng năm tỉ lệ hộ nghèo giảm, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sản phẩm chuối đưa lại giúp người dân thoát nghèo

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim cho biết, để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã đề ra mục tiêu là "Cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân hằng năm từ 2,5 - 3%, các xã và thôn đặc biệt khó khăn giảm trên 5%/năm”.

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa, đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức về tự chủ, tự lực trong lao động sản xuất. Cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, cụ thể đến từng thôn, bản, khối khóm; tăng cường nguồn lực đầu tư vào sản xuất.

Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các xã, thị trấn xác định nội dung phương pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở theo địa bàn được phân công phụ trách. Thường xuyên nắm bắt tình hình để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo để tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hộ nghèo.

Trồng săn nguyên liệu giúp người dân, nhất là các hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo

Từ năm 2016 đến nay, thông qua ủy thác của các tổ chức đoàn thể, như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân vốn cho hơn 11 nghìn lượt đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo vay  hơn 430 tỉ đồng. Đồng vốn vay đã được  hộ nghèo, cận nghèo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đầu tư sản xuất ruộng nước, trồng sắn nguyên liệu, trồng cây cà phê, hồ tiêu, chuối; chăn nuôi trâu bò, bò, lợn, dê, các loại gia cầm... tạo việc làm, tăng thu nhập, thiết thực giảm nghèo.

Cùng với tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có được nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, các chính sách khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về giáo dục, y tế luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón với kinh phí hơn 24 tỉ đồng cho trên 5.800 hộ, xây dựng 4 mô hình nuôi bò cái vàng Việt Nam sinh sản hơn 1 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng mới 159 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 45 nhà, với kinh phí trên 10 tỉ đồng; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để hộ nghèo xây dựng mới, nâng cấp 87 nhà ở theo Quyết định 33/2015/QD-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành việc xây dựng 129 nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí hỗ trợ trên 2 tỉ đồng; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập học cho hơn 40.000 lượt học sinh, sinh viên, với kinh phí trên 30 tỉ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 22.766 cháu mẫu giáo từ 3-5 tuổi với kinh phí 63.229,5 triệu đồng; cấp 187.682 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với kinh phí 101.348,2 triệu đồng, đảm bảo 100% đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế... 

Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn có tầm quan trọng trong tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, huyện luôn chú trọng thực hiện các chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn.Thông qua các trung tâm, các trường dạy nghề trong và ngoài huyện đã tổ chức đào tạo 62 lớp nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, cà phê; nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và kỹ thuật điện dân dụng, thợ mộc, thợ nề... cho trên 1.491 người thuộc hộ nghèo tham gia, với kinh phí 2.630 triệu đồng.

Mặt khác, mặc dầu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao và ổn định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore … Với chính sách hỗ trợ vay vốn, đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để người dân có đầy đủ thông tin lựa chọn và tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao. Đến năm 2020, toàn huyện đã có 350 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 35 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung ở thị trường các nước Nhật Bản 33 lao động, Singapore 1 lao động, Đài Loan 1 lao động. 
 
Cùng với tăng cường hỗ trợ sản xuất và các chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện Hướng Hóa cũng lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình (Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới…) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến năm 2020, thông qua nguồn vốn mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã ưu tiên đầu tư mới 105 công trình, đầu tư chuyển tiếp vốn 40 công trình và đầu tư duy tu bão dưỡng 12 công trình quan trọng phục vụ dân sinh, phúc lợi công. Những công trình này đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hướng Hóa.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai. Đối tượng thụ hưởng là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đem lại hiệu quả. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, năm 2016 từ 34,59% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 18,5%.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim cho biết thêm: Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, áp dụng thực hiện cho giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện Hướng Hóa có 6.768 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,69% và 1.603 hộ cận nghèo, chiếm 7,03% tổng số hộ toàn huyện. Giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuấn nghèo giai đoạn mới từ 2,5 - 3%, trong đó đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới giảm trên 5%. 

Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện và bước đầu đạt một số kết quả đáng khích lệ.

Cùng với những giải pháp, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người nghèo. Chỉ tiêu đến cuối năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5 - 3% của Hướng Hóa tin chắc sẽ đạt được.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Phục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds