Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

DI TÍCH: ĐỊA ĐIỂM XẢY RA VỤ THẢM SÁT MỸ THỦY NĂM 1948

22/02/2024 347 0
Đền tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948

          Mỹ Thủy là một làng nằm phía Nam của xã Hải An, huyện Hải Lăng; cách thị trấn huyện lỵ Hải Lăng và quốc lộ 1A chừng 15km về phía Đông theo tỉnh lộ 8 (đường từ ngã ba Diên Sanh về bãi tắm Mỹ Thủy). Địa điểm khu vực phía Bắc đường tỉnh lộ 8, đầu làng Mỹ Thủy - trung tâm diễn ra vụ thảm sát làng Mỹ Thủy năm 1948 đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 38-2001/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 7 năm 2001.

          Mỹ Thủy là một làng biển năm trên triền Đông của cồn cát đại trường sa được hình thành tương đối muộn từ sau thế kỷ XVII. Cũng như nhiều làng biển khác trên vùng đất Quảng Trị, người dân Mỹ Thủy từ lâu đời đã gắn chặt cuộc sống của mình với biển bằng sự chống chọi với sóng gió và những nỗi lo toan vất vả cực nhọc trong kế mưu sinh. Chính trong hoàn cảnh đó đã hun đúc nên trong con người Mỹ Thủy đức tính chịu thương, chịu khó, đôn hậu, bao dung và một tấm lòng khẳng khái, kiên trinh, bất chấp kẻ thù để đi theo cách mạng.

          Trong những năm 1930 - 1945, phong trào cách mạng ở Mỹ Thủy dưới sự chỉ đạo của chi bộ Triệu Lăng đã có những hoạt động tích cực, góp phần cùng cả vùng Hải Lăng làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Sau cách mạng tháng 8 thắng lợi, Mỹ Thủy là một thông của xã Hải Châu.

          Từ khi thực dân Pháp quay trở lại bình định Quảng Trị (tháng 01/1947), do có nhiều ưu thế về chiến lược nên Mỹ Thủy vừa là vùng giáp ranh vừa là vùng tự do của ta. Quân Pháp luôn tìm đủ cách (đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ) để khống chế và làm chủ địa bàn nhưng vẫn không thể nào lập được hội tề. Phong trào cách mạng vẫn luôn được duy trì và phát triển. Dựa vào vị trí giao thông thủy bộ thuận lợi, lại xa các trung tâm chính trị của Mỹ Thủy, bộ đội chủ lực, cán bộ kháng chiến đã chọn đây làm địa bàn dừng chân, củng cố lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích. Nhân dân Mỹ Thủy một lòng theo Đảng, theo kháng chiến. Đặc biệt, sau năm 1947, chiến trường Trị Thiên gặp nhiều khó khăn: dân đói, cán bộ, bộ đội thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược... Quân khu IV đã tổ chức vận động các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chi viện để giúp Trị Thiên tiếp tục kháng chiến. Do không có điều kiện để vận chuyển đường bộ nên hàng hóa phải vận chuyển bằng đường biển và tập kết ở các vùng biển bãi ngang, xa tầm kiểm soát, khống chế của chính quyền Pháp và tay sai. Ở Mỹ Thủy, đường giao thông liên lạc tiếp tế vận tải Bình Trị Thiên đã nhiều lần tập kết và phân tán hàng hóa, vũ khí trót lọt. Chính vì điều này đã làm cho quân Pháp vô cùng cay cú và điên cuồng tìm cách tiêu diệt phong trào cách mạng tại Mỹ Thủy, liên tục tổ chức các đợt càn quét, đốt phá và gây ra những tội ác dã man.

          Kể từ khi tiến quân bình định Quảng Trị (1/1947 - 8/4/1948), quân Pháp đã tiến hành 3 lần càn quét, đốt phá thôn Mỹ Thủy.

          Ngày 5/3/1947 (2/2/Đinh Hợi), quân Pháp tràn vào làng đốt cháy gần hết nhà cửa, giết chết 3 người.

          Trong các ngày 17, 18 và 19/3/1948, thực dân Pháp huy động lực lượng đồng loạt càn quét vào các thôn xóm thuộc vùng đồng bằng Hải Lăng với chiến dịch mang tên “Tuần lễ Hải Lăng”. Trong đợt càn quét quy mô này, chúng đã giết hại hơn 1.300 người, đốt cháy hàng ngàn ngôi nhà, cướp đi rất nhiều tài sản, trong đó có làng Mỹ Thủy.

          Ngày 19/3/1948, sau khi 2 chiếc máy bay Đakota ném bom dọn đường, bộ binh Pháp tổ chức tấn công Mỹ Thủy từ 2 hướng: hướng Đông, một trung đội Pháp, Âu Phi xuất phát từ cảng Thuận An bằng tàu và ca nô tấn công bằng đường biển; hướng Tây bao gồm lực lượng của các đồn Cổ Lũy, Phương Lang, Hội Yên theo đường 8 tiến về. Cuộc thảm sát diễn ra trên bờ biển khi mà gần 20 xuồng của ngư dân (mỗi xuồng có từ 2 - 3 người) đang làm nghề. Những chiếc thuyền nan bị bao vây không có đường thoát co cụm lại và bị những họng súng đại liên bắn tới tấp làm cho người chết, người bị thương tất cả những chiếc xuồng đều tan nát. Xác người, máu và mảnh thuyền dập dềnh trên biển. Quân Pháp còn dùng lựu đạn ném vào những chỗ chúng nghi là có ngư dân ẩn trốn. Chưa đầy 20 phút, 20 xuồng nan và hơn 60 người bị tàn sát không còn một ai. Phía trên bờ, những toán quân bộ cũng xông vào làng, cướp phá, giết chóc, chúng bắn tất cả những người không kịp chạy trốn. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ gây tội ác rồi rút đi, quân đội Pháp và tay sai đã giết chết 74 người dân Mỹ Thủy vô tội; trong đó phần lớn là đàn ông trung niên, trụ cột gia đình. Hàng trăm mét lưới ngư cụ và hơn 20 xuồng đánh cá bị phá hủy hoàn toàn. Đây vừa là cuộc thảm sát vừa là đòn đánh vào kinh tế hòng đè bẹp tinh thần, ý chí kháng chiến của nhân dân Mỹ Thủy.

          Chưa đầy 20 ngày sau vụ thảm sát, khi cỏ trên những nấm mồ của những người bị giết ngày 19/3 còn chưa kịp mọc thì ngày 8/4/1948, thực dân Pháp lại tiến hành một cuộc tàn sát, đốt phá dã man hơn, tàn bạo hơn theo đúng nghĩa “3 sạch” vào dân làng Mỹ Thủy. Với lý do dân làng Mỹ Thủy đã hỗ trợ bộ đội của trung đoàn 95 đánh đồn Đông Dương (Hải Dương) và tham gia giấu hàng (muối) để phục vụ cho bộ đội, quân Pháp đã huy động 2 trung đội từ các đồn xung quanh khu vực phía Đông Hải Lăng, chia làm 2 cánh quân bao vây Mỹ Thủy hòng bắt trực tiếp các tàu chở hàng và tiêu diệt lực lượng du kích.

          Trước khi vào đến làng Mỹ Thủy, quân Pháp đã bắn giết 200 người dân dọc đường càn quét thuộc các làng Ba Du, Đa Nghi, Thuận Đầu, Tân An... và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà. Đến trưa, hai cánh quân Pháp tiến thẳng đến bờ biển nơi có 2 chiếc ghe chở hàng. Phía ta có một trung đội du kích nhưng do trang bị thô sơ, không thể đánh trả được đành cùng 2 chiếc ghe thoát ra phía ngoài biển. Không bắt được ghe chở hàng và du kích, quân Pháp quay vào làng bao vây các ngả đường rồi xả súng vào bất kỳ ai chúng gặp. Trẻ em, người già chúng giết ngay tại chỗ còn phụ nữ thì thi nhau hãm hiếp rồi dùng báng súng đập vỡ đầu hoặc đâm chết. Khi đã không tìm thấy người để giết, chúng đồng loạt phóng hỏa đốt hết nhà cửa, ngư cụ. Không một ai có thể chạy trốn ra khỏi làng, chỉ có những người trốn vào các chum, vại đựng cá, nước mắm mới có cơ may thoát chết.

          Sau hơn 3 giờ thả sức đốt phá, hãm hiếp, cướp bóc, quân Pháp mới chịu rút quân để lại một làng Mỹ Thủy hoang tàn, tang tóc, cát trắng loang lỗ máu người, hàng đống thịt xương ngập ngụa trong những ngôi nhà đang cháy. Cả làng chỉ còn sót lại chỉ vài đứa trẻ và đầy 20 người. Có 452 người dân vô tội đã bị sát hại cùng toàn bộ nhà cửa, ngư cụ của dân làng Mỹ Thủy bị hủy hoại hoàn toàn. Đây là một vụ thảm sát dã man và có số lượng người chết nhiều nhất mà thực dân Pháp gây ra cho đồng bào Quảng Trị.

          Vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948 là bằng chứng hùng hồn về tội ác giết người dã man của thực dân Pháp với nhân dân Mỹ Thủy nói riêng và nhân dân Quảng Trị/Việt Nam nói chung; là nỗi đau thương mất mát, nhưng cũng là biểu thị một truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đó là bản thông điệp nhắc nhở hậu thế hãy lên án và tránh xa chiến tranh; hãy sống xứng đáng và làm hết mình để bảo vệ hòa bình.

 

Theo: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds