Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

CHIẾN KHU BA LÒNG – NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

24/04/2023 980 0

Về thăm lại Ba Lòng, một địa danh lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi được thưởng thức “đặc sản” là cái nắng như đổ lửa cộng thêm những cơn gió Lào rát mặt. Chỉ một chút ấy thôi, cũng đủ để hình dung được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Thế nhưng, bằng sự cần cù, kiên cường của người dân, vùng chiến khu Ba Lòng ngày nào với những đổ nát thời chiến tranh giờ đã thay da đổi thịt, khoác lên mình một diện mạo mới.

                                “Đất vùng chiến khu địa linh sinh nhân kiệt

                                   Người xứ Ba Lòng son sắt chí anh hùng”

Ba Lòng hôm nay

Tên Ba Lòng đã đi vào lịch sử từ rất lâu đời – một địa danh gắn với chiến khu cách mạng đã đi vào lịch sử, thi ca của dân tộc và mãi trường tồn với thời gian. Địa danh Ba Lòng được biết đến với những chiến công oanh liệt, vẻ vang của quân và dân Quảng Trị vì đây là vị trí chiến lược quan trọng với địa hình đặc biệt, hiểm yếu. Nơi đây sông Thạch Hãn đi qua xuôi về thị xã Quảng Trị và đổ ra biển Đông, hệ thống khe suối hiểm trở, hai dãy núi lớn bao quanh che chở cho lực lượng cách mạng khi bị địch bao vây, đánh phá. Trải qua thời gian với những thăng trầm, biến cố của lịch sử bao nhiêu thì ngày nay trên mãnh đất chiến khu này đang khát vọng vươn mình bấy nhiêu.

 

Ba Lòng ngày nay là phần đất của bộ Việt Thương, một trong 15 bộ của nước Van Lang.Từ thời Trần đến thế kỷ thứ XVIII, Ba Lòng thuộc đạo Cam Lộ. Suốt thời kỳ Pháp thuộc, Ba Lòng thuộc phủ Triệu Phong. Sử sách ghi lại: Từ khoảng thế kỷ XVII -XVIII, các nhóm dân cư vùng đồng bằng Triệu Phong và Hải Lăng lần lượt mở rộng địa bàn về phía tây theo dọc sông Thạch Hãn lên thung lũng Ba Lòng để hình thành nên làng xã người Kinh, sinh sống cận cư, xen kẻ với người Bru – Vân Kiều.

 

Địa thế hiểm trở đã khiến Ba Lòng có vị thế đặc biệt. Việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn khá thuận lợi. Từ Ba Lòng tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam; cũng như từ đây, đi ra phía Tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn, và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Ðịa hình Ba Lòng bảo đảm các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến, phù hợp với chiến tranh du kích của ta, nhưng lại gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, vùng đất Ba Lòng là địa điểm chiến lược lợi hại “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi rừng Ba Lòng là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, đồng thời là một điểm trọng yếu trên đường mòn Hồ Chí Minh. Bên cạnh ưu thế “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.  Ba Lòng có lợi thế hết sức quan trọng đó là đất đai trong khu vực thung lũng rất màu mỡ, rừng lại có nhiều lâm thổ sản hội đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất lương thực đảm bảo tự cấp tự túc cho lực lượng kháng chiến trong điều kiện bị bao vây, bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Tất cả những điều đó khẳng định vùng đất Ba Lòng hội đủ các điều kiện thành lập một chiến khu an toàn và phát triển.

   Ngày 14/4/1947, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp tại Teng Teng vùng núi Triệu Phong, Tỉnh ủy đã quyết định chọn “vùng đất phía Tây 2 huyện Triệu Phong , Hải Hăng từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơng, phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo” để xây dựng căn cứ cách mạng gọi là Chiến khu Ba Lòng.

Chiến khu Ba Lòng ra đời, trở thành nơi đóng trụ sở hoạt động của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến, đoàn thể, quân dân bào chế và các công xưởng… Chiến khu là trung tâm lãnh đạo kháng chiến. Từ đây phát đi những đường lối của tỉnh, truyền đạt lại cho các cán bộ đảng viên và quần chúng những mệnh lệnh và chỉ thị của Trung ương. Chiến khu Ba Lòng, đã trở thành trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu trên hành trình ra Bắc vào Nam; thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và Nhân dân Quảng Trị thực hiện trường kỳ kháng Pháp và đánh đuổi đến quốc Mỹ.

   Có thể nói rằng, tại Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị, từ đây các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị.Chiến khu Ba Lòng là nơi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở, đồng thời là nơi diễn ra các đại hộiTháng 11-1947, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ hai khai mạc ở Khe Su, Đại đội có 90 đại biểu chính thức. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên về dự, trực tiếp chỉ đạo Đại hội; Ngày 20-3-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ ba được triệu tập tại chiến khu Ba Lòng, đến dự Đại hội có 82 đại biểu chính thức và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ tư được triệu tập ở chiến khu Ba Lòng từ ngày 25- 4 đến ngày 6-5-1950.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ba Lòng thêm một lần nữa được vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngày 28/7/165, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ VI được tổ chức tại Khe Su, đại hội có gần 200 đại biểu.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ba Lòng luôn là nơi xảy ra những cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và Mỹ. Gần 20 năm chống Mỹ cứu nước, mãnh đất Ba Lòng vẫn luôn xứng đáng với truyền thống căn cứ cách mạng. Dưới mưa bom bão đạn, chợ đêm Khe Làng An vẫn là nơi mua bán , trao đổi hành hóa từ An Phong, Quảng Trị, Tây Hướng Hóa và từ miền Bắc vào theo đường mòn Hồ Chí Minh, đây còn là nơi giao lưu, trung chuyển, gặp gỡ của cán bộ và người thân, là trạm trung chuyển hàng hóa , tài liệu của Trung ương từ miền Bắc vào miền Nam.

    Trong ngôi nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Hồng từng là một cô du kích tham gia vận chuyển vũ khí cho bộ đội ta trong trận đánh ác liệt năm 1964 tại chiến khu Ba Lòng, bồi hồi nhớ lạị… “Lúc đó tôi chỉ mới 16 tuổi, khi nghe tin vận chuyển vũ khí cho cách mạng để giải phóng, tôi và bà con mừng lắm. Tôi cũng vác 2 khẩu súng đi bộ vào trong Khe Su, đường xa, đếm tối chúng tôi mò mẫm đi trong đêm bổ lên bổ xuống. Cứ nghĩ vận chuyển xong vũ khí là giải phóng, không ngờ sáng hôm sau, địch đưa máy bay về bắn phá… người dân Ba Lòng vẫn ngoan cường chống lại. Bây giờ tôi nghĩ lại, dù trong chiến tranh hay trong thời bình, Ba Lòng vẫn rất anh dũng, tôi rất tự hào là người dân xứ Ba Lòng…”

Cũng tại chiến khu Ba Lòng, Trung đoàn bộ binh 6 và Quân đoàn 2 chính thức thành lập. Ngay sau khi thành lập Trung đoàn 6 và Quân đoàn 2  đã bước vào cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, liên tiếp lập công và không ngừng lớn mạnh. Mở màn bằng trận tiến công căn cứ Ba Lòng tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá vỡ hệ thống công sự của “pháo đài bất khả xâm phạm” của Mỹ - ngụy. Gần 10 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên vô cùng gian lao và ác liệt, với những tên làng, ngọn núi tên sông đã gắn liên với Trung đoàn theo những địa danh như: Ba Lòng, Hải Lăng, An Lỗ, Phò Trạch, Cốc Bai, Gia Đẳng, Đan Quế, Kế Môn, Nam Giảng, Chánh An, Lương Mai, Thành Nội, Đồng Lâm, ...Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn đã tham gia đánh hơn 2.826 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 50.900 tên địch, bắt sống hơn 500 tù binh. Phá huỷ 850 xe quân sự 13 kho xăng, 168 khẩu pháo các loại,  thu 14.000 khẩu súng, bắn rơi 556 máy bay; trực tiếp tham gia đánh và giải phóng 02 Quận lỵ, 06 căn cứ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền tây Thừa Thiên Huế . Đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn là đơn vị đầu tiên treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam lên đỉnh cột cờ  Phu Văn Lâu cùng quân và dân Thành phố Huế chốt giữ 26 ngày đêm Cố đô Huế thân yêu. Một lần nữa, lịch sử lại trao trọng trách và vinh dự lớn lao cho Trung đoàn bộ binh 6 anh hùng, cắm lá cờ chiến thắng trên đỉnh Kỳ đài trước Ngọ Môn, đánh dấu một mốc son lịch sử, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Trong ký ức của CCB Nguyễn Quang Thức, CCB Trung Đoàn 6, Nguyên Trung đội trưởng bộ binh năm 1974-1975, người đã từng tham gia những trận chiến ác liệt tại vùng chiến khu Ba Lòng, xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng.  “Mỗi khi nhớ lại, nước mắt tôi ứa ra. Nỗi đau đồng đội đã hi sinh, những người bạn cùng quê tham gia chiên đấu đã mãi mãi nằm xuống nơi mãnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mãi mãi không trở về. Mỗi lần lên lại Ba Lòng, tôi lại nghẹn ngào!”

 Đất nước vừa sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối, nhân dân cả nước đang tưng bừng trong ngày vui đất nước trọn niềm vui đoàn tụ, Sau những năm chiến tranh, kéo dài đến hết thập niên 90 của thế kỷ trước, Ba Lòng - nơi quần cư của đồng bào Bru Vân Kiều và người Kinh vẫn luẩn quẩn với đói nghèo. Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa xây dựng cuộc sống mới, người dân Ba Lòng càng phải nổ lực hơn bao giờ hết. Ngày ấy, để lên với Ba Lòng, từ thị trấn Krông Klang của huyện Đakrông, vẫn phải đi bằng hai con đường là men theo sông Ba Lòng hay đi đò từ Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) phải ròng rã cả ngày đường mới thấy đất và người Ba Lòng… Hơn 20 năm bom đạn giội xuống Ba Lòng, với hàng ngàn câu chuyện buồn xảy ra, không thể kể hết. Chỉ biết rằng người Ba Lòng không bao giờ lùi bước, hễ còn thở là còn có thể kháng chiến; đất còn người thì đất sẽ phải nở hoa.

    Trong ngôi nhà sàn kiên cố ở thôn Tà Lang xã Ba Lòng, ông Hồ Văn Xưng, một cán bộ giao liên ở chiến khu Ba Lòng năm xưa bồi hồi nhớ lại những năm tháng tham gia kháng chiến. Những kỷ vật về một thời oanh liệt luôn được ông cất giữ cẩn thận, di ảnh của Bác Hồ, ảnh của Bác Giáp, những tấm hình được chụp chung với các Cựu chiến binh Trung đoàn 6… được ông treo ở nơi trang trọng, mỗi khi nhớ đồng chí đồng đội, ông lại mang ra lau chùi sạch sẽ, ngắm nghía và nhớ lại những ký ức về cái nôi cách mạng. Hòa bình lập lại, ông Xưng cũng như người dân vùng chiến khu tự hào về nơi mà mình đã sinh ra, lớn lên và đã cống hiến cả tuổi xuân, thậm chí là xương máu để dành lại nền độc lập, tự do cho quê hương hôm nay. Già Xưng chia sẻ “Nhìn thấy quê hương đổi thay từng ngày, những người thế hệ như tôi hạnh phúc lắm”

Có lẽ, sự đổi thay của người dân Ba Lòng được đánh dấu bởi sự kiện có điện thắp sáng từ năm 2000. Nhưng, điều làm cho người dân vùng chiến khu phấn khởi nhất là việc Nhà nước xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp 2/9 năm 2005. Cùng với chiếc cầu, một con đường dài 12km, nối từ Km 41 của Quốc lộ 9 chạy vào bờ Bắc cầu Ba Lòng được trải nhựa. Và từ bờ Nam của cầu Ba Lòng, là một con đường rộng 10m để ô tô về đến trung tâm xã. Năm 2022, một con đường dài hơn 20 km nối từ  cầu treo xã Đakrông về Ba Lòng đã chấm dứt cảnh cô lập mỗi mùa mưa lũ của người dân Ba Lòng. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, đáp ứng mong đợi của bà con nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng, Ba Lòng từng bước khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; tập trung nâng cao đời sống người dân qua nhiều hình thức đầu tư và sản xuất, trong đó chú trọng việc phát triển nông-lâm nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra: tổng diện tích gieo trồng đạt 872,8ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 839 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 9.570.000đồng (năm 2000) nay đạt 26.577.000đồng (2022); tỷ lệ hộ nghèo có sự thay đổi rõ rệt từ 26,5% (2000) nay giảm xuống còn 9,94% (2022); tỷ lệ hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh đạt 100%.... Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, TTATXH địa bàn, Ba Lòng còn làm rất tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương-bệnh binh, người có công với cách mạng. Đáng chú ý, tháng 8/2021, người dân Ba Lòng đã cùng với Sư đoàn 968 đóng quân tại Quảng Trị nỗ lực khai quật, tìm kiếm được hàng chục hài cốt liệt sĩ qua hơn 40 năm hy sinh trên địa bàn chưa tìm thấy được.Từ những chiến công trong đấu tranh giữ nước và kiến thiết quê hương mà Ba Lòng được vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm cá nhân được phong tặng Huân, huy chương các loại.Ông Lê Quang Hiền, Bí thư đảng ủy xã Ba Lòng huyện Đakrông cho biết” “Phát huy những thành quả của một vùng chiến khu cách mạng, chúng tôi sẽ tiếp tục nổ lực cố gắng, vượt qua những khó khăn thách thức để xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để về đích NTM vào năm 2025”.

Trãi qua thời gian, mỗi dấu ấn lịch sử ở Chiến khu Ba Lòng là những sự kiện vô cùng quan trọng gắn liền với sự tồn tại, trưởng thành, phát triển của lịch sử Chiến khu. Ở đó, cùng với những chiến công vang dội, là những đau thương mất mát, là máu thịt của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống cho mục đích thiêng liêng cao cả là giữ vững nền độc lập dân tộc. Với lịch sử vẻ vang đó, ngày 06/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 49/QĐ-TTg, công nhận xã Ba Lòng là xã An toàn khu.Việc được công nhận Ba Lòng là xã An toàn khu không chỉ là vinh dự cho Đảng bộ và nhân dân địa phương mà còn là sự đánh giá khách quan của lịch sử, tôn vinh xứng đáng đối với công lao, đóng góp to lớn của Chiến khu nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Lòng, huyện Đakrông nói riêng trong suốt cuộc trường chinh 30 năm kháng chiến chống Pháp đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; là sự tri ân đối với những anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những cán bộ, chiến sỹ, quần chúng nhân dân đã không tiết máu xương, mồ hôi, nước mắt và của cải để hy sinh cho mảnh đất thân yêu này. Đây chính là điều kiện để cán bộ và nhân dân Ba Lòng tiếp tục phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng của vùng đất Chiến khu xưa, tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.  Quá khứ oanh liệt, hào hùng của chiến khu Ba Lòng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự... Nhân dân xã Ba Lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, nguyện phát huy truyền thống chung lưng đấu cật, tự nguyện, góp phần cùng Nhân dân cả nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu mạnh, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang. Ông Nguyễn Đăng Sơn- Phó chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Ba Lòng được công nhận vùng an toàn khu, đây là niềm vinh dự cũng là trọng trách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đakrông.  Để Ba Lòng xứng tầm với vùng đất an toàn khu, chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở GD-ĐT đưa lịch sử Ba Lòng vào trong chương trình giáo dục phổ thông để giáo dục lịch sử địa phương cho con em trên địa bàn huyện nói riêng, và toàn tỉnh nói chung. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở văn hóa thể thao du lịch tỉnh, Trung tâm xúc tiến thương mại DL Quảng Trị để truyền thông, quảng bá đưa du khách đến với chiến khu Ba Lòng; Tiếp tục quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp, đặc biệt chuyển đổi ngành nghề phù hợp để nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Quan tâm chính sách người có công, chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, y tế…”

Những đổi thay ở Ba Lòng hôm nay thực sự là một “cuộc cải cách”, một sự “hồi sinh” tuyệt vời cho một vùng đất chịu nhiều tổn thương do chiến tranh gây ra. Nhưng để Ba Lòng thực sự phát triển bền vững, người dân được no ấm, xứng đáng với giá trị truyền thống của thế hệ cha anh thì cùng với nỗ lực, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất của người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp.Những đổi thay về một chiến khu Ba Lòng sẽ không xa, tất cả có được, bắt nguồn từ nhiều trái tim, nhiều tấm lòng cùng hướng về nơi ấy, để trao gửi tin yêu.

 

                                                                                                                                                           Tác giả: Lâm Phương- Văn Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds