Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

MÔ HÌNH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

09/03/2023 952 0

Được hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây ở huyện Đakrông, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã thực sự trở thành cầu nối đặc biệt đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực của mô hình trường học PTDTBT đem lại.

Trường PTDTBT là mô hình trường học mang tính đặc thù trên địa bàn huyện, là nơi tạo nên những nét riêng độc đáo trên bản đồ giáo dục huyện Đakrông, là nơi nuôi dưỡng những ước mơ chinh phục chân trời tri thức, là môi trường giáo dục đa dạng và gắn kết các bản làng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được đến trường.

Ngoài Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, hiện nay trên địa bàn huyện Đakrông có 03 trường PTDTBT, trong đó có 02 trường PTDTBT cấp THCS ở xã Tà Long và Pa Nang và 01 trường PTDTBT TH&THCS ở xã A Vao, với số lượng học sinh được bán trú trực tiếp tại các trường khá lớn, với gần 300 học sinh của các thôn: Ra Poong, Sa Trầm (xã Pa Nang); Ba Ngày, Chai, Xi Pa, Ngược (xã Tà Long); Pa Ling (xã A Vao).

Đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với địa bàn rộng và nhiều thôn bản, ngoài việc phải duy trì các điểm trường lẻ đối với cấp học Mầm non và Tiểu học, thì mô hình trường PTDTBT thực sự phát huy tác dụng trong công tác huy động và duy trì số lượng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Cũng chính từ mô hình này, đã tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh các bản làng vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn được đến trường và học lên cấp học THCS và THPT.

Hiện nay, cơ sở vật chất các trường PTDTBT đang được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn, nhiều hạng mục công trình được hoàn thiện đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu dạy học ở các nhà trường; cảnh quan, khuôn viên trường lớp học an toàn; hệ thống sân chơi, bãi tập, phòng chức năng đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong giảng dạy và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đặc biệt là nơi ăn, chốn ở của gần 300 con người luôn được chăm chút từng ngày.

Công tác bán trú và tổ chức bữa ăn cho học sinh ngày càng nền nếp và chất lượng bữa ăn được cải thiện; thường xuyên quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài cơ hội được học tập, học sinh tại các trường PTDTBT thường xuyên được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, các sân chơi, hoạt động về nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc … đây thực sự là những kỷ niệm và khoảnh khắc đẹp, ý nghĩa trong học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

Đặc biệt, học sinh bán trú ngoài các giờ học chính khóa trên lớp còn được tổ chức các buổi tự học cùng với sự hỗ trợ tận tình của thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, những ánh điện sáng từ các phòng học vào ban đêm đã trở thành nề nếp và thói quen trong từng học sinh, đây cũng chính là thế mạnh và khác biệt của các trường PTDTBT.

Được hòa mình vào cuộc sống và sinh hoạt của học sinh tại các trường PTDTBT mới thấy được những giá trị đặc biệt mà môi trường học đường nơi đây mang lại, không gian ấy thực sự là một gia đình ấm áp và sẻ chia mà trong đó những người thầy giáo, cô giáo là những “người cha, người mẹ” từng bước dìu dắt từng lớp học sinh là những “người con” khôn lớn và trưởng thành. Các trường PTDTBT hôm nay đang trở thành điểm đến tin cậy và là ước mơ của nhiều bậc làm cha, làm mẹ và học sinh sau khi hoàn thành Chương trình tiểu học - Chính từ mô hình đặc thù ấy, để tạo nên khác biệt từ quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, khu bán trú, các phòng chức năng, cảnh quan trường lớp, các hoạt động chính khóa, ngoại khóa, các sân chơi trải nghiệm, tự lập và tự học, chia sẻ yêu thương, gắn kết học đường …

Trao đổi với thầy giáo Lê Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Pa Nang cho biết: đây là mô hình trường học thật sự mang lại ý nghĩa lớn cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số và là điểm nhấn quan trọng cần tiếp tục được phát triển, nhân rộng trên địa bàn huyện; rất mong muốn được nhận sự đầu tư kịp thời về cơ sở vật chất trường lớp học; cải thiện khu bán trú cho học sinh; tăng cường sự phối hợp và ủng hộ của cha mẹ học sinh; sự đồng hành của xã hội và đặc biệt là quan tâm cải thiện về chế độ chính sách, ưu đãi, cũng như các điều kiện đẻ phát thiển các trường học trong tương lai. Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa lợi thế của trường PTDTBT để tạo nên những khác biệt trong tương lai; mỗi cá nhân đều ý thức với công việc được giao và thực hiện hiệu quả tầm nhìn, sứ mệnh của các trường PTDTNBT trên địa bàn huyện Đakrông.

Cùng với sự phát triển của Ngành giáo dục và đào tạo, mô hình trường PTDTBT chắc chắn sẽ có những bước đi bền vững và hiệu quả trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Đakrông.

                                                                                              Phan Văn Đức - Phòng GD&ĐT Đakrông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds