Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Đakrông: Con đường từ ý Đảng hợp lòng dân

28/11/2022 1646 0

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đakrông từng bước được kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa giữa các vùng miền. Những con đường được xây dựng từ “ý Đảng hợp lòng dân” đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi đồng thời tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Đi trên con đường thênh thang chạy ngang trước phần đất của gia đình mình, Già Hồ Puồm, thôn Khe Ngài xã Đakrông, năm nay đã ngoài 80 tuổi vô cùng phấn khởi. Năm 2019, khi có chủ trương của Nhà nước về xây dựng một con đường dân sinh đi qua vùng đất ở và đất sản xuất của gia đình, già Puôm đã không ngần ngại di dời căn nhà đang ở sang một vị trí khác, phá bỏ toàn bộ cây ăn quả như bơ, mít, xoài của gia đình để nhường phần đất làm đường. Già Puồm vui vẻ nói “Trước đây, việc đi lại của bà con khó khăn lắm. Giờ nhà nước đầu tư cho dân con đường này có hiến bao nhiêu đât đai, cây cối già cũng sẵn lòng”
     Cũng như gia đình Già Puồm, gia đình chị Hồ Thị Thu, Thôn Khe Ngài xã Đakrông có 5 nhân khẩu, cuộc sống gia đình khó khăn. Khi nghe tin nhà nước sẽ làm đường dân sinh đi ngang phần đất sản xuất của gia đình, chị vừa mừng vừa lo. Có đường thì đi lại sẽ thuận tiện hơn rất nhiều nhưng cũng đồng nghĩa phần đất sản xuất của gia đình bị thu hẹp. Tuy nhiên, sau khi được vận động chị hiểu ra và chấp thuận dành phần đất sản xuất của gia đình để làm đường. Có đường sá đi lại thuận tiện, chị mở quán tạp hóa nhỏ để buôn bán thêm.

 


       Thôn Khe Ngài có 197 hộ dân thì có 98 hộ nghèo, bà con sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.  Đất sản xuất ít, điều kiện đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn do đi lại rất vất vả, cách sông trở đò. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở đây cao. Được sự hỗ trợ của chương trình 30a, huyện Đakrông đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để xây dựng 1 con đường bê tông dài 4.400m, rộng 3,5m nối từ chân cầu thị trấn Krong Klang đi qua các thôn Khe Ngài, Chân Rò, Xa Lăng của xã Đakrông, thôn Khe Luồi xã Mò Ó.  Để làm được con đường này diện tích đất cần thu hồi là hơn 42.000m2 với nằm trên phần đất của 40 hộ dân. Ban đầu, khi nghe thu hồi đất sản xuất và đất ở, hầu hết các hộ dân không đồng tình. Để công tác giải phóng mặt bằng được thuận tiện, hợp tình hợp lý, huyện Đakrông  thống nhất giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, xã, thôn, vận động người dân giao nhận mặt bằng. Nhận nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng trưởng thôn Hồ Văn Nhơ, người có kinh nghiêm 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn đã tập trung phối hợp với Chi bộ, Mặt trận, các ban ngành đoàn thể, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số thôn… để vận động người dân hiến đất làm đường.  Phương pháp vận động được đưa ra đó là  tác động  vào tâm lý của người dân, so sánh giữa khó khăn và thuận lợi của việc giữ nguyên hiện trạng con đường và mở rộng, bê tông hóa để người dân thuận tiện trong việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản, hàng hóa. Vì vậy, trong thời gian ngắn người dân đã đồng tình hưởng ửng và một con đường dân sinh rộng thênh thang đang được gấp rút hoàn thiện, 40 hộ dân đồng tình nhường đất cho xây dựng con đường. Anh Hồ Văn Dơ, trưởng thôn Khe Ngài xã Đakrông huyện Đakrông cho biết: “Lúc đầu việc vận động cũng gặp nhiều khó khăn do phần đất cần giải tỏa làm đường nhiều quá, một số hộ cần giải tỏa 400-500m2, chiếm gền hêt phần đất vườn của gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi đã tuyên truyền vận động, đi ban ngày không gặp thì đi ban đêm… cuối cùng bà con cũng đã đồng thuận nhất trí”.
     
 Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, con đường liên xã Đakrông, Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng đang khẩn trương gấp rút hoàn thiện để bà con thuận tiện trong đi lại cũng như vận chuyển nông sản. Đang thu hoạch nốt diện tích sắn còn lại, chị  Hồ Thị Oanh, thôn Xa Lăng xã Đakrông nhìn con đường thênh thang đi ngang trước phần đất trồng sắn của gia đình mình, chị hết sức phấn khởi nói: “Gia đình tôi có hơn 3 ha đất trồng sắn, mỗi năm thu cũng được 50 tấn sắn. Những năm trước, khi chưa có con đường này, đến mùa thu hoạch sắn, tôi phải thuê người chở sắn bằng xe máy từ rẩy ra đến đường 9, đường đi thì lầy lội, chi phí thuê nhân công vận chuyển nhiều nên thu nhập không được bao nhiêu. Năm nay, có con đường vào tận rẩy, không cần vận chuyển xa, bà con phấn khởi lắm. Nhiều diện tích đất xa đường rất khó vận chuyển lâu nay chúng toi bỏ hoang, năm nay sẽ khai hoang để trồng sắn và trồng rừng. Hi vọng, có con đường này cuộc sống của bà con chúng tôi đổi thay”

Năm 2018, con đường dài hơn 21km nối dài từ xã Đakrông đi Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng được khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng. Sau gần 3 năm thi công, đến nay con trình sắp hoàn thành, đáp ứng mong đợi của hàng trăm hộ dân ở đây, đặc biệt là những hộ dân sống dọc con sông Đakrông. Con đường giúp phá thế cô lập của các thôn bản, tránh lũ, cứu hộ cứu nạn cho nhân dân, kết nối, phát triển các khu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng đất phía nam sông Đakrông, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện bố trí quy hoạch lại khu dân cư, quy hoạch đất đai phục vụ di dãn dân đồng thời kích thích phát triển tiềm năng rừng và kinh tế gò đồi phía Tây huyện Đakrông. Ông Lê Hoài Phong, GD Ban QLDA ĐTXD và PTQĐ huyện Đakrông cho biết thêm: “ Việc đầu tư xây dựng con đường này nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Giúp phá thế cô lập của các thôn bản, tránh lũ, cứu hộ cứu nạn cho nhân dân, kết nối, phát triển các khu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng đất phía nam sông Đakrông, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện bố trí quy hoạch lại khu dân cư, quy hoạch đất đai phục vụ di dãn dân đồng thời kích thích phát triển tiềm năng rừng và kinh tế gò đồi phía Tây huyện Đakrông giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.                                                          

     Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Đakrông có đường ôtô tới trung tâm xã được bê tông hoá và rải nhựa; 100% thôn, bản có đường dân sinh; nhiều tuyến đường từ xã tới các thôn, bản được cứng hóa. Có được kết quả đó là nhờ huyện đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn của tỉnh đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia như chương trình 135, chương trình 30a… của Chính phủ. Tuy nhiên, để mạng lưới giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, thời gian tới, huyện Đakrông cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nhân dân cùng góp sức xây dựng hệ thông giao thông nông thôn, đẩy nhanh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.    Sinh thời, Bác Hồ từng nói “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, những năm qua, huyện Đakrông đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân để làm nên những công trình dân sinh phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển KT - XH tại địa phương.

Lâm Phương- Văn Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds