Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong tiêu dùng hàng Việt

18/08/2022 2571 0

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc, lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tinh thần mưu trí, sáng tạo, vượt mọi hiểm nguy gian khó, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay đất nước hoà bình thống nhất, lòng yêu nước và phẩm chất trí tuệ của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hoá. Vì vậy, người dân Việt Nam cần nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc đó thông qua việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Một gian hàng Việt Nam tại Hội chợ thương mại Quốc tế khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng GMS Quảng Trị 2022

 

     Quá trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
     Khi thực hiện Hội chợ thương mại Quốc tế khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng GMS Quảng Trị 2022, tỉnh Quảng Trị đã làm mới mình, kết nối với bên ngoài để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm các doanh nghiệp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội chợ có sự tham gia của 408 gian hàng tiêu chuẩn, ngoài ra có sự tham gia của 220 gian hàng là doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung mở rộng kết nối, phát triển tiềm năng của mình.

Trưng bày các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCCOP huyện Hải Lăng

 

     Trên địa bàn huyện Hải Lăng, công tác xúc tiến các sản phẩm thương mại đặc trưng của huyện cũng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Hiện nay, nhiều mặt hàng của địa phương đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Đã có 53 sản phẩm của địa phương được giới thiệu và tiếp cận với thị trường thông qua các điểm trưng bày sản phẩm tại các xã, thị trấn, trong đó có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCCOP gồm: Tranh gạo Kiều Trân Phát, cam K4, tinh bột nghệ, gạo sạch Hải Lăng, muối đậu sả Phương Anh, tinh dầu tràm, nước súc miệng, bánh tét mặt trăng Đại An Khê, bánh lọc Mỹ Chánh, ném Hải Dương, nước mắm Mỹ Thủy, ruốc bột Bà Vầy Hải Khê. Các làng nghề truyền thống nổi tiếng như rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, chổi đót Văn Phong, mứt gừng Mỹ Chánh ngày càng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Lãnh đạo tỉnh và cùng lãnh đạo huyện Hải Lăng tham quan các gian hàng trưng bày

     Để thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trước hết, người dân cần xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Nâng cao nhận thức, ý thức tự hào đối với hàng Việt Nam, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, động viên, khuyên nhủ người thân trong gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Đấu tranh, phê phán các hành vi, tâm lý sính hàng ngoại trong xã hội, ở ngay tại cộng đồng dân cư và ở cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống và làm việc. Ngoài ý nghĩa cấp thiết giúp nền kinh tế của nước ta vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam thời kỳ hội nhập.
     Cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp cần phát huy vai trò nêu gương trong thực hiện cuộc vận động, cùng vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện trong mua sắm, tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt để góp phần xây dựng kinh tế tỉnh nhà.
     Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức đúng yêu cầu của cuộc vận động và thực hiện mua sắm hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình nên ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, hãy nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện, cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
     Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện cuộc vận động. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa trên thị trường, nhất là kiểm soát chất lượng hàng khuyến mãi, hàng bán tại các hội chợ. Kiểm tra việc buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính.
     Phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi người dân Việt Nam hãy cùng nhau hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên./.

Tác giả bài viết: Vy Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds