Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Hải Lăng: Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu

30/06/2022 2656 0

Đợt mưa trái mùa từ ngày 31/3 – 3/4 vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp huyện Hải Lăng. Hơn 6.745 ha lúa, 2.130 ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; nhiều công trình thủy lợi, giao thông nội đồng bị hư hỏng nghiêm trọng. Hiện, các địa phương trên địa bàn huyện đang khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất, huy động các nguồn lực để sẵn sàng sản xuất vụ hè thu.

Sử dụng máy cày lồng cỡ lớn để cày vùi các diện tích lúa bị hư hỏng do ngập úng.

    Đang hướng dẫn cho máy làm đất trên diện tích ruộng lúa đông xuân bị hư hỏng trong đợt mưa lụt dị thường đầu tháng 4 của mình, ông Lê Văn Dùng ở tại Hợp tác xã Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng chia sẻ: hơn 60 năm sinh ra và lớn lên ở vựa lúa vùng chiêm trũng này nhưng ông chưa bao giờ thấy đợt mưa lớn trái mùa gây ngập nặng nhiều diện tích lúa, hoa màu như vừa qua. Phần lớn diện tích lúa đang độ làm đòng, trổ bông tại đây đã úa vàng trên diện rộng do bị ngập úng dài ngày. Nhiều diện tích lúa còn lại tại khu vực này cũng đang chết dần. Để tiếp tục sản xuất vụ hè thu, hiện tại ông đang thuê máy cày lồng cỡ lớn để cày vùi toàn bộ diện tích lúa, sau đó xử lý bằng vôi bột để chống phèn, bón chế phẩm vi sinh để phân hủy gốc rạ rồi mới làm đất, gieo cấy. Theo ông Dùng, cái khó nhất của nông dân hiện tại là các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thường mua gối vụ ở các đại lý. Bây giờ không có trả thì đại lý sẽ không bán tiếp. Nguồn giống lúa trong dân cũng không còn trong khi nguồn giống hỗ trợ của cấp trên cũng chưa có. Cùng chung tình trạng lúa bị hư hỏng do ngập lụt dị thường với gia đình ông Dùng và bà con trong HTX, ông Lê Văn Thanh cho hay, bao nhiêu khoảng đã đầu tư chăm sóc cho gần 1.5 ha lúa vụ này, chỉ tính riêng tiền phân bón, thuốc BVTV đã hơn 25 triệu đồng, cây lúa đã bắt đầu trổ bông thì bỗng chốc “trắng tay”. “Nếu không bị ngập úng vụ đông xuân này tôi dự kiến phải thu được trên 10 tấn lúa. Giờ phải cày bỏ để chuẩn bị cho sản xuất vụ hè thu. Chỉ đề nghị cấp trên sớm có hỗ trợ nguồn lúa giống để nông dân chúng tôi kịp sản xuất vụ hè thu. Vì nếu không xuống giống sớm theo đúng lịch thời vụ thì có nguy cơ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do mưa lũ cuối vụ”, ông Thanh nói.
     Tại xã Hải Trường, ông Trương Minh Đông, Chủ tịch UBND xã thông tin, toàn bộ diện tích lúa 643 ha của xã bị thiệt hại hoàn toàn do đợt mưa lũ bất thường vừa qua. Ngoài những diện tích bị ngập úng lâu ngày, cây lúa bị cháy vàng buộc phải cắt bỏ, hiện có một số diện tích nông dân đang chăm sóc nhằm vớt vát được phần nào chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, qua đánh giá thì năng suất chỉ đạt khoảng 60 – 70 kg/sào. Chất lượng hạt gạo cũng giảm sút do bị ngâm nước dài ngày, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Theo ông Đông, nhằm triển khai sản xuất vụ hè thu, UBND xã đã chỉ đạo các HTX hướng dẫn xã viên tiến hành cày vùi, làm đất đối với những diện tích không cho thu hoạch. Những diện tích còn lại yêu cầu phải thu hoạch xong trước ngày 10/5 để tập trung làm đất, hoàn thành gieo cấy vụ hè thu trước 20 – 25/5. Đồng thời đề xuất huyện sớm hỗ trợ nguồn giống lúa để kịp thời gieo cấy theo khung lịch thời vụ.
     Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, trong tổng số diện tích lúa hơn 6.880 ha có khoảng 1.440 ha trổ sớm, không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ hè thu; 35 ha lúa chưa trổ; 3.250 ha các địa phương đã xác định bị thiệt hại hoàn toàn; 2.190 ha lúa đang trổ, phơi mao, khả năng vào chắc rất thấp. Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương nếu ước năng suất thu hoạch dưới 20 tạ/ha thì tiến hành xử lý đồng ruộng để kịp thời gieo cấy vụ hè thu. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có khoảng 30% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn buộc phải cày bỏ, những diện tích còn lại nông dân đang tiếp tục chăm sóc nhằm tận thu, bù đắp một phần chi phí đầu tư, kể cả những diện tích theo đánh giá có năng suất thu hoạch bình quân chỉ khoảng 60 – 70 kg/sào, tương đương 12 – 14 tạ/ha. Ông Hồ Quốc Minh Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho hay, với những diện tích này dự kiến thời gian từ nay đến khi thu hoạch phải mất từ 10 – 12 ngày. Cộng với thời gian từ khi gặt xong đến khi hoàn thành làm đất, gieo cấy tối thiểu mất khoảng 10 – 12 ngày nữa. Trong khi theo khung lịch thời vụ của huyện bắt đầu xuống giống trà đầu từ ngày 10 – 15/5 và kết thúc trà cuối từ ngày 20 – 25/5 để tránh lũ tiểu mãn và thu hoạch xong trước ngày 20/8. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ hè thu, Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương, các HTX cần huy động tối đa phương tiện, chuẩn bị đầy đủ vật tư, chủ động điều tiết nước hợp lý với phương châm “gặt trước, cày sau, làm mau kịp vụ” trên tinh thần triển khai gieo cấy càng nhanh càng tốt. Triển khai thu hoạch ngày khi cây lúa chín sinh lý (từ 60 – 70%). Yêu cầu các đơn vị vùng trũng như Hải Định, Hải Hòa, Hải Quế, Hải Dương… phấn đấu điều khiển lúa trổ trước ngày 20/7 nhằm thu hoạch trước ngày 20/8. Tăng cường công tác vệ sinh đồng ruộng, thực hiện bón lót vôi hoặc sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy gốc rạ trước khi làm đất nhằm giải độc phèn sắt, phèn nhôm và phân hủy chất hữu cơ, hạn chế tình trạng ngộ độc phèn, nghẹt rễ sinh lý thường xảy ra trong vụ hè thu. Chỉ đạo gieo từng trà một tập trung, nhanh gọn. Ưu tiên cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn. Tuyệt đối không sử dụng thóc thịt làm thóc giống, không cơ cấu giống lúa dài ngày vào sản xuất. Sử dụng tối đa diện tích lúa đảm bảo nước tưới để đưa và sản xuất vụ hè thu nhằm bù đắp sản lượng thóc bị thiếu hụt do đợt mưa lũ vừa qua.
     Ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, quan điểm chỉ đạo của huyện là khẩn trương khôi phục sản xuất, trước mắt là triển khai kịp thời sản xuất trên diện tích rau màu vụ đông xuân bị hư hại để đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, bù đắp phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động nguồn giống, vật tư thiết yếu đảm bảo chất lượng để triển khai sản xuất ngay vụ hè thu đảm bảo mùa vụ. Huyện cũng đã đề xuất cấp trên hỗ trợ hạt giống lúa, ngô và rau màu các loại để sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông. Hiện nay, cấp trên đang xem xét hỗ trợ một số giống lúa ngắn ngày trong kho dự trữ Quốc gia như Khang dân, An Sinh 1399, HN6, HT1, DD2 với số lượng khoảng 520 tấn. Huyện sẽ chỉ đạo thực hiện ngay khi có chủ trương. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cơ cấu sản xuất bằng giống lúa không nằm trong các giống được hỗ trợ phải tự chủ động nguồn giống. Yêu cầu các địa phương vùng trũng phải sử dụng các giống lúa ngắn ngày (có thời gian sinh trưởng không quá 90 ngày), phấn đấu thu hoạch vụ hè thu trước ngày 20/8. Tổ chức ra quân làm thủy lợi, ưu tiên khắc phục khẩn cấp các công trình thủy lợi trực tiếp phục vụ tưới, tiêu như sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đê điều; bảo dưỡng các trạm bơm, máy bơm, cống điều tiết nước; gia cố bờ vùng, bờ thửa, các tuyến đường giao thông nội đồng…

Tác giả bài viết: Đạo Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds