Chi tiết tin tức - Huyện Đakrông

 

Làng nghề mứt gừng vào mùa Tết

9:44, Thứ Sáu, 25-3-2022 1442 0

Những ngày này cuối năm Canh Tý, làng nghề truyền thống Mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đang rộn ràng, tất bật với không khí làm mứt của bà con nhân dân dân...Họ đang đua tay cùng thời gian để đưa ra những sản phẩm mang tính cổ truyền và hương vị Tết đến với người tiêu dùng.

Sơ chế: Gừng tươi được gọt sạch vỏ, rửa sạch, thái mỏng, ngân nước sạch và chanh.

Đến thăm làng nghề sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vào thời điểm những ngày đầu tháng chạp, chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi hương cay nồng của gừng. Nhà nhà đỏ lửa tất bật làm mứt gừng phục vụ Tết Nguyên đán. Có mặt tại cơ sở sản xuất mứt gừng Dũng Ni của anh Trần Viết Dũng khi đã hơn 11 giờ trưa, bên trong cơ sở nhiều người vẫn đang tất bật làm việc. Người gọt rửa gừng, người bào gừng ra từng lát mỏng, người luộc gừng, ngào gừng với đường, người đóng gói sản phẩm. Tất cả phối hợp nhịp nhàng để cho ra những lát mứt gừng vừa thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Trần Viết Dũng chủ cơ sở sản xuất mứt gừng Dũng Ni cho biết, anh đã gắn bó với nghề làm mứt gừng hơn 15 năm, hàng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch là cơ sở sản xuất mứt gừng của anh lại bắt đầu đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng theo phương thức truyền thống của gia đình. Do được làm bằng thủ công theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên sản phẩm mứt gừng của anh rất được ưa chuộng. Bình quân mỗi vụ Tết, cơ sở của anh đưa ra thị trường từ 15 – 20 tấn mứt gừng với giá bán từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 80 – 100 triệu đồng. Không những tạo thu nhập cho gia đình, trong hơn một tháng sản xuất cao điểm này, cơ sở sản xuất mứt gừng của anh còn tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập từ 150.000 – 400.000 đồng/người/ngày.

Công đoạn cuối cùng để cho ra thành phẩm mứt gừng

Chia sẻ về bí quyết làm ra những lát mứt gừng thơm ngon, có vị cay nồng đặc trưng, anh Dũng cho hay, củ gừng phải là gừng già được lấy từ các tỉnh Tây Nguyên do gừng trồng ở đây có hàm lượng tinh dầu cao. Để sản xuất được 1 kg mứt gừng cần phải có 1 kg gừng củ tươi và 1 kg đường cát trắng. Củ gừng sau khi gọt vỏ được rửa sạch, bào thành từng lát mỏng, ngâm trong nước lạnh rồi được đưa vào luộc sơ với nước chanh, sau đó xả sạch bằng nước sạch để rửa sạch nhựa gừng và giữ được màu vàng trắng đặc trưng; cuối cùng là ngào với đường trên chảo nóng trong khoảng 10 – 20 phút đến khi đường kết tinh dính xung quanh lát mứt gừng thành phẩm. Trong suốt quá trình ngào với đường, người đứng bếp yêu cầu phải tập trung kỹ lưỡng, không được để lửa lớn quá bởi sẽ gây cháy đường làm mứt có vị đắng, mẫu mã không đẹp; cũng không để lửa thấp quá khiến đường không kết tinh trên gừng được, mà phải đủ nóng để đường và gừng hòa quyện vào nhau.
     Theo ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, thì nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ban đầu chủ yếu là để phục vụ trong gia đình vào dịp Tết. Sau đó, với chất lượng thơm ngon, mứt gừng Mỹ Chánh dần dần vươn ra khắp tỉnh rồi nức tiếng khắp miền Trung. Cứ thế, bao thế hệ con cháu lớn lên đều coi nghề mứt gừng là nghề truyền thống của làng, tất cả con em trong làng đều được cha, mẹ chỉ bảo cho cách làm mứt gừng với mong muốn nghề truyền thống của làng không bị mai một. Với vị thơm, cay nồng đặc trưng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh không chỉ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp Tết mà còn theo chân bà con đi làm ăn xa về thăm quê mang đi như muốn níu giữ một chút hương vị Tết quê nhà. Ông Sinh cho biết, hiện nay, ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ với quy mô gia đình, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh còn có 10 hộ sản xuất quy mô lớn với công suất từ 1 – 3 tạ/ngày; cá biệt có những có hộ sản xuất từ 0,5 – 1 tấn/ngày. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sẽ đưa ra thị trường khoảng 50 – 60 tấn mứt gừng. Với giá bán sỉ mứt gừng trên thị trường khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, mứt loại 1 có giá từ 65.000 – 70.000 đồng/kg thì tổng thu nhập của cả làng đạt khoảng 3,5 tỉ đồng. Đồng thời tạo việc làm thời vụ cho hơn 200 lao động tại địa phương.
     “Để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, hằng năm UBND xã đều tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, kí cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến; tất cả các công đoạn sản xuất đều được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác…, hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất”, ông Sinh cho biết thêm.
     Vào những ngày này, các hộ sản xuất mứt gừng ở Mỹ Chánh đang hối hả ngày đêm sản xuất để kịp giao hàng trong dịp tết. Công việc rất bận rộn, khẩn trương, nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì mứt năm nay đang bán chạy, được giá, dự báo một cái tết sung túc, đầm ấm hơn.

Tác giả bài viết: Đạo Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video clips
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,036
  • Tháng hiện tại173,895
  • Tổng lượt truy cập5,340,221
Chương trình phát thanh
plds