Đến với các trường mầm non trên địa bàn huyện Đakrông trong những giờ ăn trưa của trẻ, chúng ta mới cảm nhận hết những nét riêng trong cách tổ chức bán trú với “mô hình học sinh đưa cơm”. Được hình thành và nhân rộng trong thời gian gần đây, mô hình học sinh đưa cơm đã cho thấy sự hiệu quả và thiết thực của nó.
Chăm sóc trẻ mầm non
Thực sự, với mô hình học sinh đưa cơm không những tạo ra cơ hội cho trẻ mầm non được chăm sóc mỗi ngày tại trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các bậc cha mẹ học sinh có nhiều thời gian hơn cho công việc làm ăn hàng ngày. Với những chiếc cặp lồng ý nghĩa ấy, giáo dục mầm non đã tăng đáng kể số trẻ bán trú tại trường và cũng là nét riêng trong công tác xã hội hóa giáo dục ở địa bàn vùng khó.
Khoảng từ 9 đến 10 giờ sáng, gia đình trẻ đưa cơm đến trường, nhìn những chiếc cặp lồng với nhiều loại thức ăn đa dạng: cơm, xôi, rau, cá, trứng, thịt kho và những cả những món ăn đạm bạc khác cũng đã thấy được sự quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ học sinh dành cho con trẻ (cho dù điều kiện kinh tế còn gặp không ít khó khăn). Không những thế, những hình ảnh quan tâm, chăm sóc, chia sẻ cùng nhau của trẻ đã cho thấy ý nghĩa tích cực và mang tính giáo dục cao qua từng bữa ăn bán trú tại trường, đây thực sự là những ấn tượng đặc biệt, những nét riêng đặc thù, những cử chỉ mang tính nhân văn sâu sắc, những giá trị tinh thần quý giá … mà các em, những mầm xanh tương lai sẽ luôn trân trọng và là hành trình của cuộc sống tương lai.
Tuy nhiên, những nét riêng ấy với Ngành giáo dục vẫn chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, để tăng cường hoạt động bán trú tại trường cho trẻ mầm non, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và sự đầu tư dài hơn về cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên và cấp dưỡng, huy động các nguồn lực hỗ trợ: các nhà hảo tâm, các chương trình dự án, các tổ chức nhân đạo từ thiện … để có thêm các nguồn kinh phí thiết yếu phục vụ công tác bán trú cho trẻ mầm non.
Ý kiến bạn đọc