Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng miền, năm 2017 xã Hải Phúc được Sở NN&PTNT, huyện Đakrông triển khai mô hình trồng dứa phủ bạt nilon liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Đây được xem là tín hiệu đầy hứa hẹn cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất cằn cỗi ở miền núi.
Mô hình trồng dứa tại xã Hải Phúc
Những ngày đầu tháng 3, Chị Nguyễn Thị Thư thôn 5 xã Hải Phúc huyện Đakrông cùng hàng chục nhân công cặm cụi ươm những mầm dứa trên vùng đất của gia đình mình. Trước đây, 1 ha đất này gia đình chị trồng rừng tràm, sau 5 năm chị bán được 30 triệu đồng. Tuy nhiên, với tính toán ban đầu mỗi ha trồng dứa, nếu trồng và chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn sẽ cho thu khoảng 150 triệu đồng/ vụ/ năm. Chị đang rất phấn khởi và hi vọng dứa sẽ làm thay đổi cuộc sống của gia đình mình.Cùng với chị còn có 5 hộ dân khác đã thành lập tổ hợp tác trồng dứa nguyên liệu với diện tích 5 ha và mỗi ha được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Chị Thư cho biết: “Theo tính toán thì trồng dứa cho hiệu quả rất cao, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Vì vậy gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi, hi vọng cây dứa sẽ thay đổi cuộc sống cho gia đình tôi”.
Doanh nghiệp tham gia liên kết là Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hỗ trợ cho nông dân trồng dứa theo hình thức cho nợ giống và phân bón và khấu trừ qua sản phẩm sau khi thu hoạch, đồng thời cam kết thu mua 100% sản phẩm với giá cả, chất lượng đã được ghi nhớ. Bà con khi thực hiện mô hình được tập huấn kỹ trồng trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch và bảo quản.
Anh Lê Tiên Tiến, phó chủ tịch UBND xã Hải Phúc, Đakrông cho biết thêm: “Nếu như mô hình trồng dứa phủ bạt nilon thành công, địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi những diện tích trồng sắn, trồng rừng kém hiệu quả sang trồng dứa”.
Phải khẳng định rằng, từ thực tế nhiều nơi liên kết “4 nhà” đã tạo ra chuyển biến tích cực với hàng ngàn mô hình được thực hiện, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Những ngày này, những mầm dứa đang được ươm lên từ vùng đất cằn, hứa hẹn mô hình thành công sẽ làm đổi đời cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Ý kiến bạn đọc