Ngày 7/12, UBND huyện Đakrông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện dự án Ngân hàng bò huyện Đakrông giai đoạn 2010 – 2016. Tham dự hội nghị, về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Hà – PCT Hội Chữ thập đỏ tỉnh; về phía huyện có các đồng chí Hồ Văn Dừn – PBT Thường trực Huyện ủy; Hồ Thị Kim Cúc – PCT UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, phòng ban liên quan; BCĐ Ngân hàng bò huyện cùng đại diện các xã, thị trấn…
Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc
Dự án Ngân hàng bò huyện Đakrông chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn huyện vào tháng 4/2010, đến tháng 7/2010 UBND huyện đã tổ chức lễ trao tặng bò giống tại các đơn vị hưởng lợi với số lượng 100 con bò giống trị giá 550.000.000 đồng, hỗ trợ cho 100 đối tượng nghèo thuộc địa bàn các xã Hướng Hiệp, Mò Ó và Thị trấn Krông Klang. Trong quá trình tổ chức thực hiện, năm 2012, BQL Ngân hàng bò huyện phối hợp với phòng NN&PTNT, Trạm chăn nuôi – Thú y huyện tổ chức các khóa tập huấn với cách quản lý và kỹ thuật chăn nuôi bò cho 114 hộ gia đình hưởng lợi, đồng thời lồng ghép tổ chức 3 cuộc họp dân để hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh và phổ biến quy chế tổ chức, hoạt động của dự án đến tận người dân. Tuy nhiên, do anh hưởng khí hậu, rét đậm, rét hại, bệnh dịch xảy ra nên đã có 99 con bò bị thất thoát từ năm 2010 đến năm 2016. Hiện nay tổng đàn có 169 con. Thông qua dự án đã cải thiện được đời sống của nhân dân, có 42 hộ hưởng lợi đã được thoát nghèo.
Qua 06 năm thực hiện dự án, mặc dù có nhiều thuận lợi và cơ hội nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường, rét đậm, rét hại, hạn hán, thiên tai thường xuyên xảy ra...cũng tất yếu chịu sự tác động mạnh về việc đầu tư và phát triển của dự án. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẻ của các ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, hoạt động dự án Ngân hàng bò từng bước được duy trì, phát triển là động lực lớn mạnh thúc đẩy cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thông qua các hoạt động của dự án đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các tập tục lạc hậu trong lao động sản xuất, chăn nuôi dần được xóa bỏ thay vào đó là sự hiểu biết về khoa học kỷ thuật để áp dụng vào đời sống thực tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế gia đình và xã hội.
Mục tiêu trong thời gian tới, phấn đấu duy trì và phát triển đàn bò; hạn chế thất thoát, tăng số lượng đàn bò hàng năm lên ít nhất từ 15-20 con. 100% hộ gia đình hưởng lợi cam kết phải thực hiện đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, tiêm phòng dịch bệnh, chuồng trại, không thả rông…
Ý kiến bạn đọc